Đê Ktu thuộc thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) cách TP. Pleiku 30 km đi theo quốc lộ 19, có 100 hộ dân, khoảng gần 500 nhân khẩu dân tộc Bahnar sinh sống.

Giữa màu xanh của ruộng lúa, nương bắp, ngôi nhà rông nằm uy nghi ngay cổng làng thể hiện ý chí, sức mạnh của cộng đồng văn hóa dân tộc Bahnar. Giữa làng có nhà rông truyền thống Ba-na mái tranh, cột và sàn bằng gỗ, rộng gần 400m2.

Nhà rông là biểu tượng vô cùng quan trọng đối với đời sống tâm linh và tinh thần của dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh giá trị vật chất nó còn ẩn chứa văn hóa tâm linh, là niềm kiêu hãnh, là ước vọng của con người trước thiên nhiên, vũ trụ. Mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều diễn ra tại đây, là nơi mọi người quây quần bên bếp lửa nghe người già kể Khan, nơi tụ họp hàng đêm nghe những câu chuyện truyền thuyết về dân tộc mình…

Chính giữa nhà rông được dựng cây nêu để rượu ghè dọc hai bên dùng cho những dịp sinh hoạt và du khách đến thưởng thức. Xung quanh nhà rông diễn ra cuộc sống thường nhật của người dân trong làng, du khách có thể đến để tìm hiểu thêm về ăn, ở của đồng bào Bahnar...

Trước đây, mỗi năm dân làng chỉ gieo 1 vụ lúa rẫy và trồng sắn, ngô. Đê KTu có 90 hộ thì 60 hộ thuộc diện đói nghèo, 90% trẻ em trong độ tuổi không được đến trường. Bà con bệnh tật chỉ biết cúng Giàng.

Do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm lúa nước nên đời sống của bà con được cải thiện.

Năm 2004, có 10 hộ thu nhập đạt mức 50 triệu đồng, 30 hộ có mức thu nhập từ 30-40 triệu đồng. Trong làng không còn hộ đói nghèo, 95% gia đình có phương tiện nghe, nhìn, làm được nhà xây, nhiều nhà còn sắm được máy cày, xe công nông... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, diện mạo của làng đổi thay từng ngày.
Cùng với phát triển kinh tế, nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng, việc duy trì phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Ba-na vẫn được gìn giữ và phát huy. Các lễ tục: Cúng bến nước, cúng thần nhà rông, đặt tên cho người mới sinh, kết nghĩa anh em... vẫn được duy trì. Các nghệ nhân trong làng còn lưu giữ được nhiều điệu múa dân gian, trường ca, truyện cổ Ba-na truyền lại cho các thế hệ con cháu. Làng lưu giữ được 20 bộ chiêng cổ, đàn goong, đàn t’rưng với 340 chiếc, 53 khung dệt cổ truyền, 160 bộ trang phục truyền thống. Nghề rèn, nghề săn bắn bằng nỏ luôn được phát huy và bảo tồn giá trị truyền thống.

Đê KTu được Công ty Du lịch tỉnh xây dựng thành “Làng du lịch văn hoá dân tộc Ba-na”. Ban ngày du khách được thăm quan cuộc sống đời thường của bà con dân tộc Ba-na, xem tượng nhà mồ, bến nước, dệt thổ cẩm, ăn cơm lam, thịt nướng. Buổi tối xem văn nghệ, cồng chiêng do các nghệ nhân và đội văn nghệ của làng biểu diễn. Đê KTu làng văn hoá kiểu mẫu, làng du lịch văn hoá Ba-na, niềm tự hào của đồng bào dân tộc Ba-na ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Gia Lai đang thực hiện chủ trương nhân rộng mô hình làng Đê KTu trong các vùng nông thôn đồng bào dân tộc Ba-na.
Khách du lịch đến đây sẽ được hòa mình vào không khí đó để cảm nhận một cách chân thực và sâu sắc sẽ trở thành những kỷ niệm khó quên.

Tổng hợp từ Tintucdulich, Dân tộc và phát triển