Nằm trong lịch trình của du khách khi đến với Bảo Yên, Nghĩa Đô là vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống, như hội chơi xuân, ném còn, hội xuống đồng...

Trong ngày lễ, phụ nữ mặc những bộ váy áo truyền thống, cùng nhau say s­ưa với những bài ca, điệu múa ca ngợi vẻ đẹp quê h­ương, ôn lại những làn điệu hát truyền thống của dân tộc.

Nghĩa Đô là một trong những xã khó khăn, cách trung tâm huyện Bảo Yên gần 30km. Nơi đây ẩn chứa dấu ấn lịch sử, tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đây cũng là vùng đất có nền văn hoá phong phú, trong đó, dân tộc Tày có lịch sử cư­ trú lâu đời, tạo nên những nét văn hoá, phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc sắc và được lưu giữ cho đến ngày nay.

Nét văn hóa, sự thanh bình của làng quê với rừng cọ, đồi chè, những nếp nhà sàn, nghệ thuật dệt thổ cẩm của người Tày Nghĩa Đô đang làm say lòng biết bao du khách.

Đến đây, du khách có thể ở nhà sàn và tìm hiểu, khám phá những nét văn hoá đặc sắc của cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng “lòng chảo” Nghĩa Đô. Họ đã tạo nên kho tàng văn hóa dân gian đa dạng, phong phú trong việc làm nhà, việc cưới, việc tang, hay lễ hội. Những bản, làng với những nếp nhà sàn truyền thống của ng­ười Tày đã trở thành nét văn hoá độc đáo vùng đất này.

Cấu trúc bên trong của nhà sàn đồng bào Tày nơi đây hết sức hợp lý, thuận tiện cho việc sinh hoạt của cả gia đình, từ gian ngủ, gian thờ tổ tiên, gian dành cho khách, gian bếp. Đồng bào Nghĩa Đô còn có nét tín ngưỡng độc đáo là sau khi thu hoạch xong mùa màng phải lựa chọn, giữ lại những bông lúa chắc hạt, không có sâu bệnh hại nhằm giữ hồn lúa để vụ tới cho mùa bội thu. Người Tày Nghĩa Đô vẫn giữ đ­ược những ngành nghề truyền thống nh­ư đan lát, dệt mành cọ, dệt thổ cẩm. Theo phong tục của ng­ười Tày, con gái trước khi về nhà chồng phải chuẩn bị chăn, gối để mang theo, nên ngay khi lớn lên, các em gái đều đư­ợc những ng­ười lớn tuổi truyền dạy nghề dệt, từ những đôi bàn tay khéo léo, các em đã làm nên những chiếc chăn, chiếc gối độc đáo. Sau những ngày mùa bận rộn, trong ngôi nhà sàn truyền thống, hình ảnh những cô gái Tày bên khung cửi quay tơ, dệt thổ cẩm đã để lại nhiều ấn tư­ợng đối với du khách khi đến Nghĩa Đô.

Đến đây, du khách còn có dịp hòa mình vào không khí của phiên chợ quê, tham quan cảnh người dân trao đổi hàng hóa nông sản, dụng cụ sản xuất do mình làm ra và mua sắm các loại hàng thổ cẩm, váy áo truyền thống của đồng bào làm quà cho bạn bè. Ngoài ra, nơi đây vẫn còn lưu giữ và bảo tồn làn điệu hát then, múa đàn tính, đặc biệt có làn điệu hát với những cốt truyện cụ thể nói về tình yêu nam nữ. Ẩm thực đãi khách cũng rất đặc sắc với nhiều món lạ và ngon như: cá gói lá dong vùi tro bếp, nhộng cọ lam, thịt vịt bầu lam ống nứa, nộm rau rừng, ếch núi nướng…

Đến với vùng đất Nghĩa Đô thanh bình, nơi có đỉnh Khau Rịa, Khau Cấn vươn mình ghi dấu tích về một thuở oai hùng năm xưa; có thành Chúa Bầu, phế tích Đồn Nghĩa Đô mãi trường tồn cùng bản, làng văn hóa người Tày để khám phá, cảm nhận về mảnh đất.

Hấp dẫn canh gà dân dã Nghĩa Đô

Thịt gà vốn là một trong những món ăn quen thuộc đối với người dân và dễ chế biến thành nhiều món hợp với khẩu vị của từng gia đình và từng địa phương.
Về Nghĩa Đô - một xã của huyện Bảo Yên, quý khách sẽ được thưởng thức món ăn được người Tày chế biến hết sức dân dã. Đó là món canh thịt gà nấu kiệu. Cách chế biến món canh hấp dẫn này rất đơn giản.

Nguyên liệu và thành phần để chế biến gồm có: thịt gà, kiệu non (gồm cả lá và củ), gừng củ, mộc nhĩ tươi. Thịt gà băm vừa miếng cho vào nồi xào với gừng đã dập nhỏ cùng mắm, muối chừng 5 phút rồi cho nước vào đun 20 - 25 phút. Kiệu được làm sạch và lấy cả củ, cả lá thái dài khoảng hai đốt tay. Sau khi thịt gà chín, cho kiệu vào nồi thịt gà cùng với mộc nhĩ tươi đã rửa sạch. Đậy vung chừng 5 phút sau có thể múc canh ra bát và thưởng thức. Khi ngồi vào mâm cơm với bát canh gà nấu kiệu, sẽ thấy canh có nhiều màu khác nhau: màu trắng vàng của thịt gà, màu trắng của củ kiệu, màu xanh của lá kiệu, màu tím của mộc nhĩ, lớt phớt màu vàng của nghệ, của gừng và mỡ gà. Còn nước canh thì không đục mà trong vắt cùng với vị ngọt của thịt gà hoà lẫn vị thơm của kiệu, vị cay nhẹ của gừng và thơm của mộc nhĩ.

Canh gà nấu kiệu đối với người vùng cao, đặc biệt là người Tày ở Nghĩa Đô là món ăn đặc biệt để tiếp đãi khách quý hay người đi xa về. Món canh gà này còn là bài thuốc rất tốt cho những người mới ốm dậy khi ăn không thấy ngon miệng. Canh gà nấu kiệu vừa là một món ăn bình dị quen thuộc đối với người Tày Nghĩa Đô, vừa là món ăn độc đáo mang bản sắc rất riêng của địa phương.

Về Nghĩa Đô ăn cá suối, rau rừng

Trong vốn văn hóa lâu đời của người Tày Nghĩa Đô (Bảo Yên), thì văn hóa ẩm thực vốn là một ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách mỗi khi đến thăm.

Về Nghĩa Đô, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ những sản vật có sẵn dưới suối, trên rừng, tức là những nguyên liệu mà người Tày tự tay kiếm được, tự tay chế biến và thực tâm đãi khách. Món canh cá suối nấu rau vón vén từ lâu đã trở thành món ngon của Nghĩa Đô.

Nghĩa Đô có rất nhiều suối, nên việc đánh bắt cá suối rất thuận lợi và cá suối Nghĩa Đô cũng trở thành đặc sản. Nguyên liệu để chế biến món canh này chính là loại cá nhỏ, đuôi màu hồng, mình tròn được bắt ở suối Nghĩa Đô. Cùng với cá là một loại rau hái trên rừng mà người Tày nơi đây thường hay gọi một cách dân dã và đơn giản là rau "vón vén". Loại rau này thường mọc ở trên núi cao, sườn đồi hay ven suối. Cộng thêm với các gia vị như gừng tươi và ớt quả.

Việc chế biến món canh này hết sức đơn giản, nhưng muốn canh ngon cần phải tuân thủ theo công thức chế biến. Cá suối nhỏ được rửa sạch, bóp bỏ phần ruột, cho vào nồi đun nhỏ lửa, cho mắm, muối vừa đủ và đun nhỏ lửa khoảng 20 - 25 phút cho cá chín mềm và tạo nước canh có vị ngọt từ cá. Sau khi cá đã mềm nhừ, rau vón vén rửa sạch, vò rồi cho vào nồi nước canh cá đang đun sôi. Đậy vung khoảng 10 - 15 phút là canh có thể dùng được. Trong quá trình đun, người ta không quên cho vào nồi vài lát gừng đã đập dập.

Canh cá suối nấu lá vón vén là món canh được người Tày dùng với cơm hàng ngày hay khi tiếp đãi khách ở xa về. Khi thưởng thức canh, người ta sẽ có nhiều cảm giác từ thị giác đến vị giác. Nhìn bát canh còn nóng hổi, sẽ toát lên nhiều màu: Màu trắng nhạt của cá suối, màu vàng nhạt của rau vón vén, màu trong veo của nước và màu điểm vàng của gừng. Vị của món canh này thì ăn một lần có thể nhớ mãi: Có vị bùi của cá suối, vị thanh ngọt của nước canh, vị nửa ngọt, nửa chát của lá rau, vị hơi cay của gừng. Canh cá suối nấu lá vón vén còn là một vị thuốc hữu hiệu dùng cho người ốm và dùng để giải rượu khi say.

Về Nghĩa Đô, bước chân lên "chín bậc tình yêu" của nhà sàn người Tày trong sự mến khách và âm vang câu hát then, được thưởng thức món canh được chế biến từ cá suối, rau rừng, du khách sẽ cảm nhận được tấm lòng thơm thảo của người Tày nơi đây, thấy được bản sắc, nét văn hóa độc đáo từ bao đời trong món ăn dân dã mà độc đáo này.

Báo Lào Cai