Hồi đầu năm, Tổng cục Du lịch (TCDL) công bố chương trình kích cầu 2010 Việt Nam - Điểm đến của bạn, trong đó nhấn mạnh hai “chiêu” mới là bán hàng giảm giá trong mùa thấp điểm (tháng 8 - 9) và thu hút khách thông qua truyền miệng “tiếng lành đồn xa”.

Nói về chuyện “tiếng lành đồn xa” thì Jean Ngọc, một người Pháp có vợ VN, thường rủ bạn bè về quê vợ tham quan, nói: “Đi du lịch ở VN phải mắt nhắm mắt mở, chứ mở cả hai mắt sẽ mất vui. Phải cố gắng bỏ qua nhiều thứ. Nhưng có những chuyện không thể bỏ qua được.
Chẳng hạn ở Hội An, vừa chuẩn bị vào khu phố cổ đã gặp ngay chuyện xưa nay chưa từng thấy là yêu cầu du khách mua vé vào tham quan”. Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, việc bán vé vào khu phố cổ Hội An với giá 90.000 đồng/khách nước ngoài là vô lý. Chỉ nên bán vé vào những điểm tham quan cụ thể trong phố cổ Hội An mà thôi, chứ không nên bán vé cho cả khu phố. “Không ai bán vé cho du khách vào Paris cả, chỉ bán vé nếu leo lên tháp Eiffel”, Jean Ngọc nhận xét.

Tới Nha Trang, những phiền phức vẫn chưa buông tha cho đoàn khách yêu mến đất nước VN này. Đoàn đi tàu ra bãi X.Đ để tắm biển và ăn uống. Tuy nhiên, do tàu không cập bến được và để cho khách khỏi bị ướt vì nước biển quá sâu, chủ tàu lấy một chiếc bè kéo khách vào bờ. Vào trong, chủ bè tính tiền mỗi khách 10.000 đồng.

“Việc không có cầu tàu không phải lỗi của du khách, nên không thể lấy tiền chúng tôi được. Hơn nữa chúng tôi vào bãi tắm còn sử dụng nhiều dịch vụ khác. Sao không tính chung để khỏi phải thu tiền lắt nhắt như vậy? Thật khó chịu. Ở mình thấy lạ quá, cái đáng lẽ phải tính gộp thì lại tách ra; cái đáng lẽ tách ra như ở Hội An thì lại tính gộp”, ông Ngọc than thở.

Ở các hang trong vịnh Hạ Long, ban quản lý không cử người điều tiết lượng khách vào ra mỗi lần cao điểm, khiến lộn xộn ở trong hang, người già dễ bị ngộp thở. Lên Đà Lạt, hồ Xuân Hương đang mùa nạo vét. Đoàn khách không dám tới Vũng Tàu, vì nghe người quen kể lại họ phải trả 600.000 đồng thuê một cái ghế bố nằm ngoài bãi biển…

Hỏi về việc liệu ông có tiếp tục giới thiệu bạn bè người quen du lịch tới VN nữa không, ông Ngọc nói ông rất yêu thích VN nhưng chuyện này cần phải suy nghĩ lại! Xem ra “chiêu” truyền miệng có vẻ khó mang lại hiệu quả.

Còn "chiêu" bán hàng giảm giá mà TCDL có kế hoạch triển khai lại gần như đã phá sản (vì đã hết tháng 8). "Chiêu" này cũ người mới ta, có tên rất hoành tráng Impressive Vietnam Grand Sale 2010, tạm dịch “Siêu giảm giá ấn tượng 2010 của VN”, được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích để du lịch nước nhà đạt mục tiêu 4,2 triệu khách quốc tế trong năm nay. Ngoài ra, với “chiêu” này, lãnh đạo ngành du lịch VN cũng bày tỏ mong muốn níu giữ chân khách nội địa ở lại mua sắm trong những tháng hè, thay vì phải sang Singapore, Thái Lan, Malaysia… tiêu tiền như mọi khi. Theo kế hoạch mà TCDL dự kiến, các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng ở TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng sẽ bán hàng giảm giá từ 10 - 15%.

Theo đó, khách tới VN mua sắm trong 2 tháng “Grand Sale” sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng, nhận thẻ ưu đãi giảm giá (Tourist Previlege Card)… tại các điểm mua sắm nằm trong chương trình.

Thế nhưng năm 2010 đã đi qua hơn một nửa thời gian và TCDL vẫn đang loay hoay với các “chiêu” thu hút khách của mình.

Theo Thanhnien