Thú thật, cho đến hôm nay, tôi cũng không biết đích xác tên khai sinh của loại bánh này. Anh bạn thổ công Nguyễn Trọng Chi, cư dân lâu đời đất Quảng Ninh, khi rủ tôi tấp xe vào một quán ăn bên đường, cũng chỉ tủm tỉm một nụ cười ruồi mà nói: “Hôm nay, khao anh một đặc sản”.

Hai chúng tôi đã cùng nhau lang thang hơn một tháng trời trên dải đất này - nơi đầu trời cuối đất ven bờ vùng cực Bắc mà các nhà khoa học gọi là một nước Việt Nam thu nhỏ - từ Uông Bí, Đông Triều, linh địa của non thiêng Yên Tử đến Móng Cái, Trà Cổ, nơi có bãi cát khởi đầu cho hơn ba ngàn km bờ biển nước ta, có tên là mũi Sa Vỹ.
Bước lãng du cũng đưa chúng tôi trôi dạt đến tận những vùng đảo xa, Vĩnh Thực, Quan Lạn, Vân Đồn trên vịnh Hạ Long để… “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, thưởng thức không biết bao nhiêu sơn hào hải vị. Hôm nay dừng bước ở Tiên Yên, không biết sẽ được tao ngộ món gì trong kho tàng ẩm thực của Quảng Ninh?

Ẩm thực Quảng Ninh rất ngộ, còn đọng nhiều phong cách của cộng đồng cư dân biển đảo. Con bạch tuộc nhí luộc lên giòn ngọt như mực ống, chấm nước mắm gừng gọi là “con ruốc”. Con vịt lai ngan (vịt xiêm) gọi là “con cà xáy”. Còn một thứ nghêu, sống trong bùn ở cửa sông, chân đảo, gọi là “con ngán”. Ngán bắt lên, chần sơ, nạy vỏ, dùng tay bóp lấy tiết cho vào rượu trắng, đánh bông lên, có màu hồng đào uống rất êm, vị bùi, tăng lực hiệu quả, gọi là rượu ngán, chỉ có ở Hạ Long. Người Quảng Ninh rất tự hào về món rượu ngán đặc sắc này.

Bãi Cháy còn cả một phố có tên Siêu thị ốc. Đủ loại nghêu sò ốc hến trên đời, từ sò lông, ốc nhảy đến hải sâm, bào ngư, sá sùng… không thiếu thứ gì. Sá sùng là con giun biển sống trong cát. Sá sùng tươi, lộn trái, rửa sạch cát, xào với tỏi hành hoặc cải xanh, ngọt không thể tả. Sá sùng khô còn ngọt hơn nhiều. Người Bắc nấu phở, để nước phở trong và ngọt, không gì thay được sá sùng.

Lặn lội hang cùng ngõ hẻm đất Quảng Ninh này, tôi biết một ngạn ngữ mang tính tổng kết, rất nổi danh: “Lợn Móng Cái - Gái Đầm Hà - Gà Tiên Yên”. “Con lợn Móng Cái” thì rõ rồi, “con gà Tiên Yên” là giống gà đồi, suốt ngày leo dốc, tìm sâu nên da vàng, thịt thơm, nước ngọt, cũng rõ, chỉ không biết “con gái Đầm Hà” ra sao, giống con bạch tuộc hay con cà xáy? Hôm nay, dừng bước Tiên Yên, không biết sẽ được anh bạn đãi con gà hay con gái nên tôi hồi hộp theo dõi.

Chắc là chỗ quen nên chỉ thấy anh bạn hất hàm cho chủ quán, rất ngắn gọn: “Gật gù!”. Như một tín hiệu đã quy ước, chủ quán gật đầu. Hóa ra là một đĩa đầy tú hụ một thứ bánh ướt mềm tươi, trắng muốt, trông như bánh phở cuộn tròn, cắt đôi. Một đĩa đầy thịt kho xắt dày, ướp gia vị và một chén nước chấm trong veo, óng ánh mỡ, chìm nổi một hỗn hợp nguyên vật liệu chưa rõ là những gì.

Anh bạn vàng giải thích: “Ở Tiên Yên, ngoài gà đồi còn có thứ bánh này, lữ khách đường xa không thể không nếm thử mà cả người địa phương, lâu lâu cũng phải ghé, kẻo thèm. Nguyên liệu được dùng là một thứ gạo nương đặc chủng, quy trình ngâm, xay, tráng chắc cũng như các thứ bánh đồng loại, nhưng có lẽ tập quán phục vụ người thợ mỏ, nên mình bánh phải tráng dày, dùng bữa thay cơm. Bánh gật gù ăn với thịt heo kho, gọi là “khau nhục”.

“Nhục” trong tiếng Hán - Việt rõ ra là thịt, còn “khau” chắc phải là “kho”? Món thịt kho này không biết được tẩm ướp ra sao nhưng miếng mỡ kho trắng, giòn như thạch, đậm đà, ăn nhiều không ngán. Cũng không biết có phải bắt nguồn từ thói quen của người thợ mỏ hay không mà ăn bánh gật gù người ta dùng tay chứ không dùng đũa. Miếng bánh cuộn tròn khi cầm lên, mát lạnh.

Gạo ngon, bột mịn, tráng chín làm cho chiếc bánh không những mềm mà còn dai và dẻo, khác với các thứ bánh đồng chủng ở các nơi khác. Bánh dẻo đến mức khi cầm lên tay, độ đàn hồi của bột chín làm cho chiếc bánh cứ gật lên, gật xuống ra chiều đắc ý, như thỏa mãn, như mời chào, làm cho món ăn trở nên sinh động

Trong mâm, người nọ cầm chiếc bánh gật gù ba cái chào người kia. Khách gật gù ba cái đáp lại trước khi nhúng miếng bánh vào chén nước chấm đặc biệt cùng với một miếng khau nhục được tẩm ướp kỹ càng. Cảm giác mát, mềm của bánh, vị ngọt bùi, thơm, ngậy của miếng khâu nhục ăn kèm, đảm bảo không chỉ cảm giác thỏa mãn những chiếc dạ dày trống rỗng của khách đường xa, mà thực sự còn là một món ăn đáp ứng nhiều yêu cầu của những thực khách khó tính.

Chính vì “tính động” của loại bánh này mà bất chấp tên khai sinh, thực khách đồng tình gọi nó là “bánh gật gù”. Và thứ bánh này chết tên từ đấy.

Cuộn bánh trắng, dẻo, mềm như cổ một con thiên nga. Người viết bài này nảy sinh sáng kiến, xin nhà hàng một đĩa ớt hiểm, cắm lên đầu những chiếc bánh, nhiều chiếc bánh. Mấy cánh xà lách, mấy cụm hành, làm cánh, làm lông. Một đàn thiên nga cổ dài, trắng muốt, mỏ đỏ tươi hiện hình trong đĩa. Xin một sợi chỉ trắng buộc vào đầu mấy chú thiên nga, giật nhẹ, cả đàn thiên nga đồng loạt “gật gù” chào khách.

Bánh “gật gù”, bò “lúc lắc”, kẹo “cu đơ” nếu được kết hợp trong cùng một thực đơn, rất có thể tạo ấn tượng thú vị cho du khách không chỉ vì phẩm chất của món ăn, mà còn tạo ra ít nhiều thi vị đặc sắc cho bữa ăn. Không biết trong thực phổ thế giới có dân tộc nào mà người ăn trực tiếp tham gia vào cách ăn như một thú vui hồn nhiên đến vậy?

Theo DNSG